Du học Pháp ngành Y-Dược

Pháp là một trong những nước có nền y tế phát triển nhất thế giới. Và hoàn toàn có thể nói chương trình đào tạo ngành y của Pháp thuộc top đầu thế giới. Bởi vậy, du học Pháp ngành Y-Dược là mong ước của nhiều học sinh, sinh viên quốc tế. 

DU HỌC PHÁP NGÀNH Y-DƯỢC

Trước kia, muốn theo học ngành Y-Dược tại Pháp thì phải dự tuyển PACES (Năm nhất Hệ Cử nhân ngành Y – Première Année Commune aux Études de Santé). Vào năm đầu, sinh viên phải học rất nhiều lý thuyết tổng quát. Và sang năm 2, sinh viên lựa chọn học chuyên sâu 1 trong 4 phân ngành: y khoa, nha khoa, sản phụ khoa và dược. 

Tuy nhiên, chương trình này có nhiều bất cập. Để được nhận vào học PACES, sinh viên phải lọt vào bảng xếp hạng Numerus Clausus, mà quá trình thi cử rất sát sao – chỉ tầm 20 – 30% số học sinh dự vượt qua được. Vượt qua đợt tuyển sinh đã là thành công, nhưng khó khăn vẫn còn phía sau. Trang Diplomeo cho biết, có đến tận 80% sinh viên ngành Y phải học lại năm đầu. Thậm chí rất nhiều sinh viên không vượt qua được năm 2 và không thể theo học ngành khác với bậc học tương đương. Các bài kiểm tra cũng đòi hỏi sinh viên phải học thuộc lòng khối lượng lớn kiến thức y khoa khó nhằn.

Vì thế, kể từ năm 2020 – 2021, chính phủ Pháp quyết định cải cách nền giáo dục ngành y với hai chương trình xét tuyển mới là PASS (Parcours Spécifique Accès Santé) và L.AS (Licence Accès Santé). Hai phương thức xét tuyển này cho phép sinh viên dễ dàng chuyển hướng nếu không vượt qua chương trình ngành Y.

CHƯƠNG TRÌNH L.AS VÀ PASS LÀ GÌ?

PASS và L.AS hiện tại đang có mặt tại 112 trường đại học tổng hợp trên toàn nước Pháp. Mục đích là để cải tiến chất lượng chương trình giáo dục ngành y khoa, đa dạng hóa hồ sơ sinh viên được chọn, tăng lực lượng bác sĩ và nhân viên trong ngành, và tạo nhiều điều kiện thực tập nhiều hơn cho sinh viên.

1 – Cử nhân, theo định hướng « accès santé » (L.AS) 

Lộ trình L.AS dành cho các bạn hứng thú với ngành y, nhưng môn thế mạnh không gần với sinh học. Học sinh tốt nghiệp THPT lựa chọn 1 chuyên ngành cử nhân phù hợp với thế mạnh của mình (ngôn ngữ, luật, kinh tế – quản lý,…), với định hướng liên quan đến y tế. Chương trình bao gồm các môn học chuyên ngành chính và một số môn liên quan đến ngành y dược như khoa học y tế, khoa học xã hội,… 

Hiện nay, có 450 chương trình L.AS trên toàn nước Pháp, trong đó có 162 thuộc ngành khoa học công nghệ y tế, 44 thuộc ngành luật, 44 thuộc ngành khoa học kinh tế, 94 thuộc các ngành nhân văn, 25 thuộc ngành tâm lý và 17 thuộc ngành khoa học thể chất và thể thao.

2 – Lộ trình chuyên biệt « accès santé », với lựa chọn một chuyên ngành khác (PASS)

Còn đối với lộ trình PASS, thí sinh sẽ dự tuyển thẳng vào ngành y và chọn một ngành phụ khác mình thích (luật, ngôn ngữ, sinh học,…). Hiện nay, có tổng cộng 35 chương trình PASS trên toàn nước Pháp. Kì thi cuối năm sẽ không chỉ bao gồm bài kiểm tra trắc nghiệm mà còn bài kiểm tra viết và vấn đáp, nhằm giảm thiểu việc học thuộc lòng. 

Cả 2 chương trình này đều tiếp nhận thí sinh vừa tốt nghiệp THPT. Trường hợp sinh viên không hoàn thành Năm thứ nhất L.AS thì không thể dự tuyển vào Y – Dược. Sinh viên có thể học lại năm thứ nhất này hoặc chuyển hướng thông qua Parcoursup. Còn trường hợp sinh viên không hoàn thành Năm thứ nhất PASS thì không thể dự tuyển vào Y – Dược và cũng không thể học lại năm học này. Sinh viên phải chuyển hướng thông qua Parcoursup.  Yêu cầu ngoại ngữ của hai chương trình này là bằng B2 tiếng Pháp.

Hai chương trình trên có 5 phân ngành chính là là: y khoa, nha khoa, sản – phụ khoa, dược và vật lý trị liệu. Điểm chung của chương trình đào tạo này là: 

  • Học lý thuyết tổng quát vào năm nhất
  • Đi thực tập vào những năm sau
  • Ngoài những môn khoa học và các môn chuyên ngành y, sinh viên cũng sẽ được học các môn khoa học xã hội như: kinh tế ngành y, protection sociale, chất lượng và an toàn chăm sóc
  • Giới hạn số sinh viên

Bên cạnh những phân ngành trên, ngành y tế của Pháp còn đào tạo về:

  • Cận y tế (paramedicale): điều dưỡng, khám mắt, dinh dưỡng,…
  • Quản lý, kinh doanh ngành y tế
  • Y tế – xã hội: hộ lý, giáo dục chuyên khoa,…

Xem thêm: Du học ngành Điều dưỡng tại Pháp

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH Y-DƯỢC TẠI PHÁP

Thời gian đào tạo ngành Y – Dược :

– Sản phụ khoa : Tú tài + 5 năm học

– Dược : Tú tài + 6 đến 9 năm học

– Bậc 3 đối với bác sĩ phẫu thuật – Nha sĩ : Tú tài + 6 năm đến Tú tài + 8 năm học hoặc 9 năm học

– Bác sĩ chuyên khoa : Tú tài + 9 đến 11 năm học

1. Bác sĩ chuyên khoa

Năm 2, 3: sinh lý học, giải phẫu học, vi sinh vật học,… Sinh viên sẽ được bắt đầu đi thực tập toàn thời gian với tư cách là y tá trong vòng 4 tuần. Sau đó đi thực tập tại các bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa tổng cộng 12 tuần. Cuối năm 3, sinh viên sẽ có bằng đào tạo tổng quát ngành khoa học y tế (Diplôme de formation générale en sciences médicales – DFGSM), tương đương bằng cử nhân. 

Năm 4, 5, 6: học chuyên sâu về các chuyên ngành như nhi khoa, nội khoa, ngoại khoa, thần kinh học, lão bệnh học,… Ngoài ra, sinh viên sẽ phải vượt qua bài kiểm tra phân loại quốc gia trên máy vi tính ECNi (épreuves nationales classantes informatisées). Và đi thực tập có lương tại các phòng khám, bệnh viện. Cuối năm 6, sinh viên sẽ được cấp bằng đào tạo chuyên sâu ngành khoa học y tế  (diplôme de formation approfondie en sciences médicales – DFASM), tương đương bằng thạc sĩ. 

Chương trình nội trú: kéo dài 3 năm cho bác sĩ đa khoa và 4 – 6 năm cho bác sĩ chuyên khoa. Tổng cộng có 44 chuyên ngành, bao gồm 13 ngành phẫu thuật, 30 ngành y tế và ngành sinh học y tế. Cuối chương trình, sinh viên nôi nội trú phải hoàn thành luận án và được cấp bằng Bác sĩ y tế. 

2. Phẫu thuật Nha khoa

Năm 2, 3: Kiến thức cơ bản về chăm sóc răng miệng: phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh về răng miệng, giải phẫu răng, các bệnh lý truyền nhiễm của răng, phục hình và thay thế răng. Sinh viên đi thực tập 4 tuần, và có bằng đào tạo tổng quát ngành nha khoa (diplôme de formation générale en sciences odontologiques – DFGSO) sau năm 3, tương đương với bằng cử nhân.

Năm 4, 5: Thời gian thực tập trong môi trường thực tế, tại các phòng khám nha khoa… Cuối năm 5, sinh viên được cấp bằng đào tạo chuyên sâu ngành nha khoa (diplôme de formation approfondie en sciences odontologiques – DFASO), tương đương với bằng thạc sĩ.

Chương trình bậc ba: Sau năm thứ  5, sinh viên có thể theo học 1 năm ngoại trú chuyên khoa để đi làm nha sĩ, hoặc học thêm 3-4 năm nội trú để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nha khoa như nhổ răng, niềng, xử lý răng,… Kết thúc chương trình, sinh viên được cấp bằng DE trong phẫu thuật nha khoa và bằng DES nghiên cứu chuyên môn (diplôme d’études spécialisées), tương đương với bằng tiến sĩ. 

Xem thêm: Học nha khoa tại Pháp

3. Sản –  phụ khoa

Năm 2, 3: kiến thức về sinh lý học, sản – phụ khoa, nhi khoa học,… Sinh viên đi thực tập từ 6 – 24 tuần. Cuối năm 3 sinh viên được cấp bằng đào tạo tổng quát ngành sản – phụ khoa (diplôme de formation générale en sciences maïeutiques – DFGSMA), tương đương với bằng cử nhân. 

Năm 4, 5: học chuyên sâu kết hợp sản khoa, sơ sinh và bệnh lý phụ khoa. Thời gian thực tập lên tới 56 tuần, yêu cầu sinh viên phải biết các bước chuẩn bị hộ sinh, cố vấn sau khi sinh đẻ,… Để nhận được bằng Hộ sinh quốc gia, sinh viên phải hoàn thành các khóa học, thực tập, CSCT (chứng chỉ về tổng hợp lâm sàng và điều trị) và luận án.

Xem thêm: Học sản khoa tại Pháp

4. Dược

Năm 2, 3: các môn khoa học như vật lý, sinh học, hóa học và các môn về chẩn đoán và điều trị bệnh, tính chất và chế tạo thuốc,… Sinh viên cũng sẽ đi thực tập tại các phòng thí nghiệm hay những công ty y tế vào mùa hè. Đến cuối năm 3, sinh viên có được bằng đào tạo tổng quát ngành dược (diplôme de formation générale en sciences pharmaceutiques – DFGSP), tương đương với bằng cử nhân.

Năm 4, 5: học chuyên sâu vào các loại bệnh; quá trình trị liệu, chăm sóc bệnh nhân; tác dụng phụ của thuốc,… Đến học kì thứ hai năm 4, sinh viên được lựa chọn 1 trong 3 lộ trình: dược sĩ làm việc tại nhà thuốc, định hướng ngành công nghiệp dược phẩm hoặc học nội trú để làm việc trong nhà thuốc bệnh viện/sinh học y tế. Sau năm 5, sinh viên có bằng đào tạo chuyên sâu ngành dược (diplôme de formation approfondie en sciences pharmaceutiques – DFASP), tương đương bằng thạc sĩ. 

Chương trình bậc ba: tùy thuộc lộ trình đào tạo mà sinh viên đã chọn trước đó. 

  • Nếu như sinh viên chọn làm việc tại nhà thuốc hay trong ngành công nghiệp dược phẩm, thì chương trình sẽ chỉ kéo dài 1 năm, trong đó có 6 tháng đi thực tập và luận án cuối khóa.
  • Nếu như sinh viên học nội trú, thì chương trình kéo dài 4 – 5 năm, với 2 định hướng là làm việc tại khoa dược trong bệnh viện hoặc sinh học y tế. Sinh viên sẽ đi thực tập trong bệnh viện hoặc phòng thí nghiệm. Hoàn thành chương trình học, sinh viên có bằng nghiên cứu chuyên ngành (diplôme d’études spécialisées – DES) tương đương với bằng tiến sĩ.

5. Vật lý trị liệu

Chương trình đào tạo ngành vật lý trị liệu kéo dài 5 năm. Chương trình học bao gồm:

  • Chăm sóc bệnh nhân
  • Ngăn ngừa tổn thương hệ hô hấp, tim mạch, tiêu hóa hay tiết niệu
  • Giúp đỡ bệnh nhân bị tai nạn, thoái hóa khớp phục hồi khả năng di chuyển

Vật lý trị liệu có nhiều ứng dụng khác nhau, như trị liệu bằng nước biển (thalassothérapie). Kết thúc chương trình, sinh viên sẽ được cấp bằng quốc gia tương đương với bằng thạc sĩ. Ngoài ra, những người hành nghề được 4 năm nếu muốn lên làm quản lý có thể đăng ký học khóa đào tạo ngắn hạn (10 tháng) để lấy bằng quản lý y tế. 

Bên cạnh chương trình PASS, sinh viên đang học chương trình cử nhân những ngành khoa học thể chất và thể thao hay những ngành khoa học y tế khác cũng có thể nhập học chương trình vật lý trị liệu. 

CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TỔNG HỢP CÓ CHƯƠNG TRÌNH L.AS VÀ PASS

  • Université Paris 13
  • Université de Brest
  • Université de Guyane
  • Université Clermont Auvergne
  • Université de Bourgogne
  • Université Grenoble Alpes
  • Université de Lille
  • Sorbonne Université – Université de Paris

Bạn có thể xem danh sách chi tiết các trường tại đây: https://www.onisep.fr/Media/Files/PDF/Choisir-mes-etudes/La-reforme-des-etudes-de-sante-2019/Carte-nouvelle-offrre-de-formation-des-etudes-de-sante-2020

CÁC CHƯƠNG TRÌNH Y-DƯỢC KHÁC

Pháp còn các chương trình Y-Dược khác dành cho đối tượng sinh viên trong ngành hay bác sĩ, dược sĩ đã có thời gian hành nghề nhất định:

1. Chương trình rẽ nhánh

Chương trình này dành cho những sinh viên ngành điều dưỡng hoặc các đối tượng đã trải qua những khóa đào tạo ngắn hạn như đào hộ lý hay nhân viên chăm sóc trẻ em. Sinh viên có thể nộp hồ sơ trực tiếp cho trường đại học mình muốn vào học. 

2. Bằng chuyên khoa y (DFMS) và bằng chuyên khoa y nâng cao (DFMSA)

Chương trình này đào tạo bác sĩ và dược sĩ quốc tế theo học chuyên khoa. Yêu cầu dự tuyển là bằng cấp hành nghề y tại quốc gia đang cư trú, cụ thể với mỗi bằng là:

  • DFMS: đang học nội trú, chuyên khoa 1, hay cao học tại Việt Nam 
  • DFMSA: có bằng chuyên khoa y, dược, giấy phép hành nghề

Quá trình xét tuyển được chia ra thành 2 bộ hồ sơ. Hồ sơ số 1 bao gồm hồ sơ ứng viên cùng với bản sao các giấy tờ tùy thân, rồi gửi đến đại sư quán Pháp tại Việt Nam trước ngày 15/1. Hồ sơ ứng viên tại đây: http://med.unistra.fr/fre/Formations/3eme-cycle/DFMS-DFMSA

Khi nhận được thông báo kết quả xét tuyển, ứng viên cũng sẽ nhận được hướng dẫn làm hồ sơ 2, nộp trước ngày 15/4. Kết quả dự tuyển được công bố vào tháng 7.

3. Kỳ thi bác sĩ nội trú cho sinh viên nước ngoài 

Kì thi này được tổ chức bởi CNG (Centre national de gestion), một tổ chức công lập dưới sự quản lý của Bộ Y tế và có trọng trách phát triển nhân lực trong ngành y. Có hai kì thi là kỳ thi nội trú cho bác sĩ nước ngoài (Internat en médecine à titre étranger – ETR) và kỳ thi nội trú cho dược sĩ nước ngoài (PHA-ET). Đối tượng là những bác sĩ/dược sĩ thuộc các quốc gia không thuộc khối EU đã có giấy phép hành nghề y.

Với ETR, ứng viên sẽ phải nộp hồ sơ vào tháng ba. Sẽ có hai vòng kiểm tra đầu vào tại hai thời điểm và địa điểm khác nhau: vòng kiểm tra xét tuyển diễn ra vào tháng 9 tại đại sứ quán Pháp, và vòng kiểm tra nhập học diễn ra vào tháng 12 tại nước Pháp. Kết quả sẽ được công bố vào tháng 5 năm sau. 

Với PHA-ET, quá trình nộp hồ sơ bắt đầu vào tháng 9, còn 3 bài thi viết sẽ diễn ra trong 2 ngày liên tiếp vào tháng 12 tại Pháp. Hồ sơ phải nộp bao gồm: bản sao giấy tờ tùy thân, bản sao và bản dịch công chứng bằng cấp và chứng chỉ hành nghề, và giấy tuyên thệ danh dự theo bản mẫu trên trang web của tổ chức.

Thông tin chi tiết của hai kỳ thi tại đây: https://www.cng.sante.fr/concours-examens/internat-en-medecine-titre-etranger-etr

CÁC THỨC DỰ TUYỂN L.AS HOẶC PASS 

Học sinh quốc tế muốn đăng ký nhập học những trường đại học tổng hợp đều phải qua chương trình đăng ký tạm thời (DAP blanche). Mỗi học sinh có tối đa 3 nguyện vọng, có thể là 3 chuyên ngành khác nhau trong cùng 1 trường, hoặc cùng 1 chuyên ngành tại 3 trường khác nhau.

Việc dự tuyển vào PASS hoặc L.AS được thực hiện theo cùng một lịch trình và quy định như dự tuyển vào năm Nhất bậc Cử nhân ở Pháp. Các bước đăng ký như sau:

B1: tạo tài khoản trên cổng thông tin Études en France, điền thông tin, nộp bảng điểm và các giấy tờ cần thiết khác và chọn nguyện vọng.

B2: nộp hồ sơ lên hệ thống trước 17/1

B3: phỏng vấn với Campus France trước 26/2

B4: Các trường sẽ phản hồi trước 30/4

B5: Khai báo lựa chọn chính thức trước ngày 7/5.

B6: Nộp hồ sơ xin cấp thị thực.

(mốc thời gian dự tuyển năm 2020)

Có thể thấy quá trình dự tuyển ngành y đã được cải thiện để không chỉ để thu hút nhiều học sinh đăng ký hơn, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực tập, giúp tăng chất lượng nền y tế của Pháp. Du học Pháp ngành Y-Dược chắc chắn sẽ là là lựa chọn trên cả tuyệt vời.

—————————————————-
Mọi thông tin liên hệ:
DU HỌC PHÁP EEC – EUROPEAN EDUCATION CAMPUS
☎ Tel : 024 39 966 526/0 936 836 526
🌐 Website: www.eec.edu.vn
🏢 Địa chỉ: Tòa 17T4 Hoàng Đạo Thúy, Thanh Xuân, Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *